Những khó khăn, thách thức đối với ngành dừa Bến Tre, triển vọng và định hướng phát triển

  1. Thực trạng

Ngành dừa Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc về trồng trọt và chế biến trong 10 năm qua.

Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4% diện tích dừa của Indonesia và Philippines, 8% diện tích dừa của Ấn Độ, 40% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam đạt trên 9.500 trái/ha/năm, thuộc vào hạng năng suất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á

Tại Việt Nam, Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất với diện tích trên 73 ngàn ha, chiếm 40% diện tích dừa của cả nước. Sản lượng trên 600 triệu trái. Dừa Bến tre có đa dạng sinh học với giống bản địa có năng suất và chất lượng tốt như giống dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Dứa. Năng suất bình quân của các giống dừa cao bản địa được tuyển chọn đạt > 60 quả/cây/năm, hàm lượng dầu đạt > 65%. Một số giống dừa uống nước như dừa Xiêm, chất lượng ngon, ngọt (độ brix đạt >7%), hàm lượng protein 2,32 g/ 100 ml, béo 6,31 g/ 100ml, đã có thương hiệu Chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, giá dừa trái nguyên liệu của Bến Tre thường cao hơn so với giá dừa của Indonesia và Philippine trong suốt 10 năm qua. Sản xuất sản phẩm dừa hữu cơ là lợi thế vượt trội; phần lớn dưỡng chất cung cấp cho cây dừa đều từ nguồn phù sa được bồi 2-3 năm/ lần, lượng phân vô cơ được bón bổ sung hầu như dưới mức cho phép, thuốc bảo vệ thực vật hiếm khi sử dụng và thường tuân thủ đúng quy trình hay dùng các loại chế phẩm sinh học. Phần lớn nông dân sản xuất dừa đã được trang bị những kỹ thuật canh tác tốt để đạt năng suất cao trong điều kiện thời tiết bình thường.

Ngành dừa Bến Tre thời gian qua được phát triển trên 3 trụ cột chính: Tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp để làm cơ sở thực hiện các chứng nhận, dừa hữu cơ, chế biến sâu. Toàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động rất khác nhau, có khả năng chế biến toàn bộ sản lượng dừa Đồng bằng sông Cửu long; Khi nguyên liệu dừa trái đưa vào chế biến thì giá trị của nó tăng lên gấp nhiều lần. Bột sữa dừa cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy, sữa dừa có giá trị cao gấp 2 lần, kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần, dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp nhiều lần so với nước dừa khô truyền thống; trong quá trình đó cây dừa đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động, tất cả sản phẩm này đã chiếm 12% giá trị sản lượng công nghiêp toàn tỉnh, tạo ra kim ngạch xuất khẩu 297 triệu USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 16% so với 2018 và dự kiến đạt 347 triệu USD vào năm 2020, tăng 27% so năm nước. Trong năm qua, việc tiêu thụ không bị ảnh hưởng lớn về mặt thị trường khi có dịch COVID – 19 như nhiều loại sản phẩm khác đã phải giảm sút mạnh. Từ nền tảng Chứng nhận Dừa Hữu cơ, một số doanh nghiệp lớn tại Bến Tre với những thiết bị máy móc hiện đại đã có hầu hết những chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới như ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, được cơ quan FDA của Hoa Kỳ cấp mã số FDA và SID, nhiều hơn so với các loại nông sản khác, nhờ vậy thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa của Việt Nam đã có mặt gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng đi vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Châu Âu, Mỹ, Trung Đông.

Giá cả các sản phẩm dừa Việt Nam đã hoà cùng với thị trường thế giới, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi, không phải là điều bất lợi như nhiều người lầm tưởng. Cũng cần hiểu thêm rằng giá cả sản phẩm dừa trên thị trường luôn giao động, tăng giảm thất thường. Tuy nhiên xu thế chung giá sản phẩm dừa đều tăng mạnh theo thời gian, tính từ năm 2013 đến nay, giá dừa đã tăng 50%.

Về tổ chức lại sản xuất: trong những năm gần đây ngành dừa Bến Tre đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết trong chuỗi cung ứng theo mô hình liên kết theo đúng nghĩa trên lợi ích 4 nhà gắn kết bao tiêu với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mêkông….

2-Triển vọng;

Trước những biến động phức tạp chung của kinh tế toàn cầu, chiến lược phát triển ngành dừa Việt Nam đã cho thấy nhiều triển vọng trên các mặt:

– Mô hình liên kết tổ chức lại sản xuất đã lan tỏa mạnh, tạo niềm tin cho nông dân, thúc đẩy việc hình thành những cánh đồng lớn, thực hiện thành công phương châm liên kết giữa các nhà. Đây là nền tảng cho việc xây dựng các thương hiệu, các chứng nhận, truy nguyên nguồn gốc.

– Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thời tiết ngày càng khắc nhiệt thì cây dừa tỏ ra thích nghi. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua có xu hướng mở rộng diện tích dừa, dự kiến diện tích dừa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục tăng. Cân đối với công suất chế biến hiện tại, đổi mới công nghệ, kỹ năng quản trị của các doanh nghiệp lớn trong tương lai… thì công suất chế biến dừa hiện tại ở Bến Tre có thể cân bằng.

 Với các lợi thế về giống, chất lượng cơm dừa, kỹ thuật sản xuất, khâu thu mua chế biến, thiết bị đa năng nên chi phí đầu vào luôn có lợi thế cạnh tranh. Tỷ suất lợi nhuận của dừa nguyên liệu trung bình là 200%, thuộc nhóm có tỷ suất nông nghiệp cao. Trong lịch sử, so sới sản phẩm nông nghiệp khác thì giá dừa nguyên liệu chưa bao giờ thấp hơn giá thành. Từ đó cho thấy, mặc dù thu nhập thấp nhưng diện tích dừa hằng năm vẫn tăng 3-4% giúp cho nguyên liệu chế biến ít bị thiếu hụt. Khi nông dân trồng dừa biết áp dụng đầy đủ những biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản lượng dừa sẽ còn tăng thêm 20%-30%.

– Trong chế biến sâu, với những công nghệ hiện đại, đa năng, sản phẩm dừa Việt Nam đã cho ra đời hầu hết các mặt hàng “phi truyền thống” có giá trị gia tăng gấp nhiều lần như nước dừa, sữa dừa, cơm dừa nạo sấy với 80% sản phẩm là dùng cho xuất khẩu, đáp ứng đầy đủ những “Chứng nhận” cho các thị trường khó tính; Những doanh nghiệp lớn đã có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, đổi mới thiết bị và thực hiện giao thương trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp đang khởi động sản xuất nhiều loại sản phẩm mới trong lãnh vực mỹ phẩm, dược phẩm… Những yếu tố này đã và đang bắt nhịp thời cơ trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã k‎ý kết là một động lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường quốc tế. Vì là quốc gia có diện tích dừa quá nhỏ nên thị phần xuất khẩu của Bến Tre không lớn , cùng với tổng cung thấp hơn tổng cầu 10%  theo như các dự báo trong nhiều năm tới nên không sợ thừa hàng khi tăng sản lượng.

3- Thách thức

Tình hình sản xuất dừa thời gian qua đã cho nhiều kết quả rất khả quan và theo những dự báo thể hiện nhiều yếu tố vô cùng thuận lợi. Nhưng bên cạnh đó sẽ có những bất lợi mà ngành dừa Bến Tre phải lường trước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như:

– Thực tế cho thấy, tại những cơn bão lớn, như bão Hyan, năm 2013 tại Philippines đã tàn phá  33 triệu cây dừa (khoảng 250.000 ha, cao gấp hai lần diện tích dừa Việt Nam). Thiên tai trong những năm gần đây diễn ra cho thấy những diễn biến vô cùng phức tạp.

– Tình hình dịch bệnh trên dừa ở thế giới còn diễn biến khó lường với những loài côn trùng gây hai nặng như kiếng vương, bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu ăn lá đầu đen… hay những dịch bệnh khác gây thiệt hại nặng trên những quốc gia trồng dừa trên thế giới mà chưa xuất hiện tại Việt Nam như chứng bệnh vàng lá chết người, bệnh thối chồi, bệnh chảy mủ …gây ra những thiệt hại cùng lúc trên hàng chục ngàn ha  là một thách thức không nhỏ cho những nhà khoa học nông nghiệp và mạng lưới bảo vệ thực vật trong nước trong việc phòng chống, nếu chúng lây sang Việt Nam.

– Mặc dù, nông dân trồng dừa đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ về những kỹ thuật canh tác mới trong công tác khuyến nông, tuy nhiên đối với kỹ thuật canh tác dừa trong điều kiện hạn mặn, thời gian qua chỉ một số ít rất nhỏ, người trồng dừa mới được tập huấn, áp dụng những biệp pháp ứng phó canh tác dừa trong điều kiện hạn, mặn vượt ngưỡng cho phép. Nếu nông dân ứng dụng triệt để thì kết quả đạt được rất tốt (năng suất dừa không bị ảnh hưởng) nhưng điều này phải trải qua thời gian dài 1-3 năm vì quá trình biến đổi sinh lý cây dừa khá dài. Hơn nữa, việc thay đổi tập quán canh tác ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật nông nghiệp trong nông dân cần phải trải qua quá trình.

– Công tác chuẩn bị tuyển chọn, nhân giống dừa tốt để chuẩn bị thay thế cho một số vườn dừa dừa già gần đến hạn thay thế cần phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để khuyến khích nông dân mạnh dạn hưởng ứng. Tránh vướng phải hậu quả như trường hợp đã và đang xãy ra ở Indonesia và Philippines.

– Xu thế tiêu dùng và giá dừa luôn có xu thế tăng trong tương lai, nhưng  biến động giá với biên độ trong từng thời điểm khá lớn, gây ra cú sốc nhỏ nhất thời cho nông dân.Tuy không ảnh hưởng lớn đến thu nhập người trồng dừa vì phần lớn những nông hộ nầy sống từ  những nguồn thu nhập khác.

– Việc thực hiện theo chuỗi giá trị chưa hoàn chỉnh, phần lớn là dưới hình thức liên kết sản xuất nhưng còn rời rạc chưa gắn chặt từ khâu sản xuất đến thu mua. Thiếu các giải pháp hữu hiệu để duy trì phát triển các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo vùng nguyên liệu để khắc phục đặc điểm phân tán, nhỏ lẻ. Chủ thể sản xuất phần lớn là những người lớn tuổi có tâm lý giữ đất cho các con cháu đi làm xa nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, họ thường là những nhóm người có lợi thế hạn chế trong việc “đàm phán” trong mô hình liên kết.

– Do xu thế tiêu dùng trên thế giới tăng mạnh (bình quân tăng 10%/năm, nhưng sản lượng không tăng). Giá trị gia tăng trong chế biến cao nên việc xuất khẩu dừa trái hoặc bán thành phẩm (nước cốt dừa) sẽ là một trở ngại lớn cho những doanh nghiệp chế biến sâu. Điều này đã diễn ra trong 2 năm trở lại đây, khiến cho Bến Tre phải nhập dừa nguyên liệu từ  bên ngoài.

– Mặc dù có lợi thế của người đi sau để có công nghệ tiên tiến, nhưng thương hiệu dừa Việt Nam phải còn trải qua một thời gian dài (20-30 năm) mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

– Năng lực quản trị của những doanh nghiệp nhỏ và tiềm lực tài chính quá bé: thể hiện trên các mặt: kiến thức quản ‎lý, cải tiến công nghệ, chế biến sâu, đổi mới sáng tạo, môi trường làm việc nhóm, năng lực liên kết, chú trọng thương hiệu…vẫn là những trở ngại trong công tác quản lý nhà nước.

4- Định hướng phát triển ngành dừa của tỉnh trong thời gian tới

4.1- Nâng cao thu nhập cho người trồng dừa bằng nhiều hình thức thích hợp để người trồng dừa áp dụng những kỹ thật canh tác, thâm canh phù hợp nhằm tăng năng năng suất các vườn dừa hiện có. Cần quan tâm đến việc tổ chức trồng xen hợp lý nhằm cải thiện rõ rệt thu nhập người trồng dừa. Đẩy mạnh công các khuyến nông trong việc phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa trong điều kiện hạn mặn.

4.2- Khắc phục, hạn chế tình trạng sản xuất quy mô nhỏ của từng hộ gia đình thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng trọt, thu mua, doanh nghiệp chế biến dừa với những hình thức linh hoạt thích hợp: tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sơ chế vệ tinh của các doanh nghiệp chế biến. Trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực của Ban điều hành, trách nhiệm của doanh nghiệp.

4.3- Đẩy mạnh mối liên kết hợp tác của doanh nghiệp với các tổ chức liên kết người trồng dừa để phát triển mạnh vườn dừa hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

4.4- Phát triển mạnh việc khai thác chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, các sản phẩm chỉ xơ dừa để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập nông hộ. Đây là dư địa còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

5.5- Hỗ trợ tạo điều kiện để ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu đàn có thiết bị công nghệ tiên tiến, năng lực quản trị ngang tầm, đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng  sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế có những sản phẩm giá trị gia tăng cao đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới. Những doanh nghiệp đầu đàn nầy sẽ là những toa tàu kéo mạnh mẽ để các doanh nghiệp còn lại tiến lên, nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành chế biến dừa Việt Nam.

Cùng với sự thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, dự kiến diện tích dừa đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục tăng. Việc đầu tư mở rộng sản xuất chế biến trong lãnh vực sản phẩm dừa phải đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh và tích lũy nhiều với kinh nghiệm khi sản xuất một loại sản phẩm đặc thù hòa chặt vào thị trường trên thế giới. Các tỉnh Duyên Hải có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và phân công lại sản xuất trong chuỗi cung ứng, địa phương nào lo khâu sơ chế để tạo công ăn việc làm, địa phương nào phụ trách việc chế biến sâu để tạo sức mạnh tổng hợp mà không bị phân tán nguồn lực vì mỗi tỉnh có một lợi thế so sánh riêng trong bối cảnh hiện nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *